-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
INSULIN, THUỐC VÀ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP KHÁC ĐIỀU TRỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Đăng bởi Công ty TNHH Nutimed 22/06/2018
Tôi có thể sử dụng loại thuốc nào cho bệnh tiểu đường?
Thuốc bạn sử dụng sẽ khác nhau tùy thuộc vào túyp bệnh tiểu đường của bạn và loại thuốc đó kiểm soát tốt như thế nào mức độ glucose trong máu (hay còn gọi là đường huyết). Những yếu tố khác, như các vấn đề sức khỏe khác của bạn, giá thuốc và lịch trình hàng ngày của bạn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn thuốc.
Bệnh tiểu đường tuýp 1
Nếu mắc tiểu đường tuýp 1, bạn phải sử dụng insulin bởi vì cơ thể bạn không tự tạo ra loại hoocmon này. Bạn sẽ cần sử dụng insulin nhiều lần trong ngày, bao gồm cả trong bữa ăn. Bạn cũng có thể sử dụng bơm insulin - sẽ cung cấp cho bạn những liều lượng insulin thấp, ổn định trong cả ngày.
Bệnh tiểu đường tuýp 2
Một số người mắc tiểu đường tuýp 2 có thể kiểm soát bệnh bằng việc lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe và hoạt động thể chất nhiều hơn. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng cần sử dụng thuốc tiểu đường. Những thuốc này có thể bao gồm thuốc dạng viên hoặc thuốc tiêm dưới da, như insulin. Bạn có thể đồng thời cần nhiều hơn một loại thuốc tiểu đường để kiểm soát lượng đường trong máu. Thậm chí nếu bạn không sử dụng insulin, bạn có thể vẫn cần nó trong những khoảng thời gian đặc biệt, như trong thai kỳ hoặc nếu bạn đang nằm viện.
Bệnh tiểu đường thai kỳ
Nếu bạn mắc tiểu đường thai kỳ, đầu tiên bạn nên cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu bằng việc lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe và hoạt động thể chất thường xuyên. Nếu bạn không đạt được lượng đường mục tiêu trong máu, bác sỹ sẽ khuyên bạn sử dụng thuốc tiểu đường, như insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường metformin, những thuốc này khá an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai. Các bác sỹ có thể khuyên bạn bắt đầu dùng thuốc ngay khi lượng đường trong máu của bạn quá cao.
Bất kể bạn mắc tiểu đường tuýp nào việc sử dụng thuốc tiểu đường hàng ngày đôi lúc có thể khiến bạn phiền toái. Bạn có thể cũng cần sử dụng kết hợp thuốc cho những vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp hay cholesterol cao, như một phần của phác đồ điều trị tiểu đường.
Có những loại insulin khác nhau nào?
Hiện tại, có một số loại insulin khác nhau. Mỗi loại bắt đầu hoạt động ở một tốc độ khác nhau, còn gọi là “thời gian bắt đầu tác dụng”, và độ dài thời gian tác dụng khác nhau, hay còn gọi là “thời gian tác dụng”. Hầu hết các loại insulin có tác dụng mạnh nhất khi chúng đạt đỉnh. Sau đó, những tác dụng của insulin sẽ hết trong vài giờ sau đó.
Nguồn:Insulin basics. American Diabetes Association website. Last edited 2015. Accessed August 25, 2016.
Các tuýp Insulin và cách thức hoạt động
Loại insulin |
Thời gian bắt đầu tác dụng |
Đỉnh |
Thời gian tác dụng |
Tác dụng tức thì |
Khoảng 15’ sau tiêm |
1 giờ |
2-4 giờ |
Tác dụng ngắn, hay còn gọi là insulin thường |
Trong khoảng 30’ sau tiêm |
2-3 giờ |
3-6 giờ |
Tác dụng trung bình |
2-4 giờ sau tiêm |
4-12 giờ |
12-18 giờ |
Tác dụng lâu dài |
Một vài giờ sau tiêm |
Không đạt đỉnh |
24 giờ, một số trường hợp sẽ lâu hơn |
Biểu đồ trên đưa ra các giá trị trung bình. Bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sỹ về thời gian và cách sử dụng insulin của mình. Bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bạn loại insulin hỗn hợp – kết hợp 2 loại insulin khác nhau. Một vài loại insulin có giá khá cao hơn so với các loại khác, nên bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp nhất với điều kiện kinh tế của mình.
Những cách sử dụng insulin khác nhau?
Cách sử dụng insulin phụ thuộc vào lối sống của bạn, bảo hiểm và mong muốn của bạn. Bạn có thể lựa chọn không sử dụng đường tiêm và thay vào đó là một phương pháp khác. Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về những sự lựa chọn và tìm ra phương pháp phù hợp cho bản thân. Hầu hết mọi người khi mắc tiểu đường đều sử dụng bơm kim tiêm, bút tiêm hoặc bơm insulin tự động. Ngoài ra còn có insulin dạng hít, cổng tiêm insulin và dụng cụ cung cấp insulin không kim tiêm (jet injector) thường kém phổ biến hơn.
Bơm kim tiêm
Bạn sẽ cung cấp insulin cho cơ thể bằng việc sử dụng bơm kim tiêm. Bạn sẽ rút insulin theo liều phù hợp với mình từ trong lọ hoặc chai chứa insulin và hút vào ống tiêm. Insulin tác dụng nhanh nhất khi tiêm ở phần bụng, nhưng bạn cũng nên thay đổi nơi tiêm insulin. Những vị trí tiêm khác bao gồm đùi, mông hoặc bắp tay. Một số người mắc tiểu đường cần tiêm 2-4 lần tinsulin mỗi ngày để kiểm soát được lượng đường huyết trong máu. Một số người khác thì chỉ cần tiêm 1 lần/ ngày.
Khi tiêm cần chuẩn bị insulin từ lọ thuốc vào bơm tiêm và sau đó tiêm nó dưới da
Bút tiêm
Bút tiêm insulin nhìn giống một cái bút thông thường nhưng có một đầu kim. Một số bút insulin có sẵn insulin và được dùng một lần. Một số khác có chỗ để ống lưu trữ insulin nơi bạn có thể bơm insulin vào và sau đó được thay thế sau khi sử dụng. Bút insulin có giá đắt hơn bơm kim tiêm nhưng nhiều người thấy nó dễ sử dụng hơn.
Bút insulin là một phương pháp khá thuận lợi để cung cấp insulin.
Bơm insulin tự động
Bơm insulin tự động là một thiết bị nhỏ, giúp cung cấp cho cơ thể những liều insulin nhỏ, ổn định trong suốt cả ngày. Bạn có thể đeo loại máy này bên ngoài cơ thể trên thắt lưng hoặc để trong túi. Máy bơm insulin nối một cái ống nhựa nhỏ và một cái kim tiêm rất nhỏ. Bạn gắn kim tiêm dưới da và để nó nằm ở đó một vài ngày. Insulin sau đó được bơm từ máy qua ống nhựa vào cơ thể bạn 24h một ngày. Bạn cũng có thể cung cấp insulin cho cơ thể bạn bằng bơm insulin trong các bữa ăn. Một loại máy bơm khác không có ống và gắn trực tiếp vào da bạn như kiểu miếng dán.
Bơm insulin cung cấp insulin trong suốt một ngày.
Insulin dạng hít
Một cách khác để cung cấp insulin cho cơ thể bằng cách hít bột insulin từ một thiết bị hít vào trong miệng của bạn. Insulin đi vào phổi và di chuyển nhanh chóng vào trong máu của bạn. Insulin dạng hít chỉ dùng cho người lớn mắc bệnh tiểu đường túyp 1 và tuýp 2.
Cổng tiêm
Cổng tiêm là một ống ngắn được chèn ở dưới da của bạn. Trên bề mặt của da, một miếng dán hoặc băng keo dính giúp cố định cổng tiêm tại một vị trí. Insulin được tiêm qua cổng với bơm kim tiêm hoặc bút tiêm. Cổng tiêm có thể ở một vị trí vài ngày, sau đó bạn cần thay thế vị trí của cổng tiêm.. Với cổng tiêm, bạn không cần đâm xuyên da cho mỗi mũi tiêm trừ khi bạn thay đổi vị trí cổng tiêm mới.
Dụng cụ cung cấp insulin không kim tiêm (Máy phun)
Thiết bị phun insulin vào da của bạn ở áp suất cao thay vì sử dụng kim tiêm để đưa insulin vào cơ thể.
Những loại thuốc uống điều trị tiểu đường tuýp 2
Bạn có thể dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn lành mạnh và thói quen hoat động thể chất để kiểm soát tiểu đường tuýp 2. Bạn có thể sử dụng nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường dạng uống.
Hầu hết người mắc tiểu đường tuýp 2 bắt đầu điều trị bằng thuốc uống metformin. Meformin giúp giảm lượng glucose mà gan đã tạo ra, giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn.
Những thuốc uống khác tác động bằng những cách khác nhau để làm giảm mức độ glucose trong máu. Bạn có thể cần sử dụng thêm loại thuốc điều trị tiểu đường khác sau một khoảng thời gian hoặc sử dụng phương pháp điều trị kết hợp. Kết hợp 2 hoặc 3 loại thuốc điều trị tiểu đường có thể làm giảm lượng glucose trong máu hiệu quả hơn chỉ sử dụng 1 loại.
Những loại thuốc tiêm khác điều trị tiểu đường tuýp 2
Bên cạnh insulin, có những loại thuốc điều trị tiểu đường dạng tiêm khác. Những loại thuốc này giúp giữ mức độ glucose trong máu không bị tăng quá cao sau khi ăn. Những thuốc này có thể làm bạn cảm thấy ít đói hơn và khiến bạn giảm một vài cân. Các loại thuốc tiêm khác không thể thay thế được insulin.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị tiểu đường bạn nên biết?
Tác dụng phụ là những vấn đề phát sinh sau khi sử dụng thuốc. Một vài thuốc điều trị tiểu đường có thể gây ra hạ đường huyết, hay gọi là giảm lượng glucose trong máu, nếu bạn không cân bằng thuốc với chế độ ăn uống và hoạt động thể lực.
Hãy trao đổi với bác sĩ bất cứ khi nào thuốc điều trị tiểu đường khiến cho bạn bị hạ đường huyết và những tác dụng phụ khác, như rối loạn tiêu hóa và tăng cân. Sử dụng thuốc điều trị tiểu đường theo đúng chỉ định của bác sĩ để giúp ngăn chặn những tác dụng phụ và những vấn đề của tiểu đường.
Tôi có những sự lựa chọn điều trị khác cho bệnh tiểu đường không?
Khi thuốc và thay đổi lối sống không đủ khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường, cách điều trị ít phổ biến hơn có thể là một lựa chọn với đối với người bệnh tiểu đường. Các cách điều trị khác đó là phẫu thuật giảm cân cho một số bệnh nhân tiểu đường túyp 1 hoặc tuýp 2, hoặc sử dụng tuyến tụy nhân tạo hoặc ghép tiểu đảo tụy cho một vài người bệnh tiểu đường tuýp 1.
Phẫu thuật giảm cân
Phẫu thuật giảm cân có thể giúp một vài người mắc béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 giảm một số lượng lớn cân và đạt lại được mức glucose bình thường trong máu. Một vài người bệnh tiểu đường không cần sử dụng thuốc điều trị bệnh tiểu đường sau phẫu thuật giảm cân. Mức độ glucose trong máu có cải thiện hay hoặc mức độ glucose trong máu sẽ cải thiện trong vòng bao lâu dường như rất khác nhau giữa các bệnh nhân, loại phẫu thuật giảm cân và số lượng cân nặng giảm được của mỗi bệnh nhân. Những chỉ số khác bao gồm bệnh nhân mắc tiểu đường trong bao lâu và bệnh nhân có hay không sử dụng insulin.
Một số nghiên cứu khuyến nghị rằng phẫu thuật giảm cân cũng có thể giúp cải thiện kiểm soát lượng glucose trong máu với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 bị béo phì.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu những tác động dài hạn của phẫu thuật giảm cân ở người mắc tiểu đường túyp 1 và túyp 2.
Tuyến tụy nhân tạo
Viện quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và thận Hoa Kỳ (NIDDK) đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ “tuyến tụy nhân tạo”. Tuyến tụy nhân tạo sẽ thay thế cho việc kiểm tra đường huyết thủ công và cung cấp insulin bằng bơm kim tiêm hoặc bơm insulin. Tuyến tụy nhân tạo là một hệ thống thiết bị đơn giám sát lượng glucose trong máu trong vòng 24 giờ và tự động cung cấp insulin hoặc insulin kết hợp với hóc môn thứ 2 là glucagon cho cơ thể. Hệ thống này cũng có thể được giám sát từ xa bởi người nhà bệnh nhân như bố mẹ hoặc nhân viên y tế.
Năm 2016, Cục quả lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp nhận một loại hệ thống tuyến tụy nhân tạo được gọi là hệ thống vòng kín kết hợp. Hệ thống này cho phép kiếm tra mức độ glucose trong máu 5 phút một lần trong cả ngày và đêm và tự động cung cấp cho bạn lượng insulin thích hợp.
Bạn vẫn cần đánh giá thủ công mức độ insulin do máy bơm cung cấp trong các bữa ăn. Tuy nhiên, tuyến tụy nhân tạo có thể giải phóng bạn khỏi những công việc hàng ngày cần thiết để duy trì lượng đường trong máu ổn định - hoặc giúp bạn ngủ qua đêm mà không cần thức dậy kiểm tra đường huyết hoặc dùng thuốc.
Viện quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và thận Hoa Kỳ (NIDDK) đã tài trợ cho một số nghiên cứu quan trọng về các loại thiết bị tụy nhân tạo khác nhau để hỗ trợ những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 quản lý bệnh của họ tốt hơn. Các thiết bị cũng có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ.
Cấy ghép tiểu đảo tụy
Cấy ghép tiểu đảo tụy là một phương pháp điều trị lâm sàng cho người bệnh tiểu đường túyp 1 không kiểm soát được. Tiểu đảo tụy là các cụm tế bào trong tụy tạo ra hocmon insulin. Ở bệnh tiểu đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công những tế bào này. Cấy ghép tiểu đảo tụy thay thể những tiểu đảo tụy bị phá hủy và giải phóng insulin. Phương pháp điều trị lấy tiểu đảo tụy từ người hiến tạng và chuyển chúng tới người mắc tiểu đường túyp 1. Tuy nhiên vì những nhà nghiên cứu vẫn đang nghiên cứu sâu hơn về cấy ghép tiểu đảo tụy nên phương pháp này hiện tại chỉ áp dụng với những người tham gia vào nghiên cứu.
Nguồn: tieuduong365.vn dịch và hiệu chỉnh từ tài liệu của Viện sức khỏe Hoa Kỳ
Xem thêm các sản phẩm khác của shop TẠI ĐÂY.
Chia sẻ: